Lần đầu tiên trong lịch sử ngành hàng không, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với khả năng thiếu hụt nhân sự chuyên ngành hàng không nếu như vấn đề này không được giải quyết một cách hiệu quả ngay từ bây giờ. Năm 2011, ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế) đã xuất bản ấn phẩm Dự báo nhân sự phi công, kỹ sư bảo dưỡng, kiểm soát viên không lưu tầm nhìn 20 năm trên toàn cầu và khu vực (Global and Regional 20-Year Forecasts: Pilots, Maintenance Personnel, Air Traffic Controllers - Doc 9956). Tài liệu bao gồm các nghiên cứu độc lập liên quan đến nhân sự hàng không, cung cấp các số liệu và dự báo phát triển công nghiệp hàng không ở các vùng lãnh thổ và trên bình diện toàn cầu.

 

Theo tài liệu này, quy mô mạng lưới vận tải hàng không tăng lên gấp đôi theo chu kỳ 15 năm kể từ năm 1977 và đến năm 2030, nó sẽ lại tăng lên gấp đôi so với quy mô hiện tại. Điều này đồng nghĩa với con số 2,9 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không trong năm 2012 sẽ tăng lên thành 6 tỷ vào năm 2030. Với mức tăng trưởng này, số lượng máy bay thương mại ở thời điểm hiện tại là 62.000 sẽ tăng lên thành 152.000 vào năm 2030 trên toàn thế giới, số lượng chuyến bay cũng tăng từ 26 triệu hàng năm lên con số xấp xỉ 52 triệu vào năm 2030. Các nghiên cứu của ICAO cũng đã chỉ ra sự thiếu hụt toàn cầu số lượng khoảng 160.000 phi công, 360.000 nhân viên bảo dưỡng máy bay và 40.000 kiểm soát viên không lưu với tổng cộng khoảng 560.000 nhân sự chuyên ngành hàng không trong giai đoạn 20 năm từ 2010 - 2030. Khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, trong đó có Việt nam trở thành khu vực chịu sự thiếu hụt nghiêm trọng nhất.

Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng công tác huấn luyện đào tạo nhân sự hàng không ở Việt nam hiện nay, đặc biệt là nhân sự phi công hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Thực tế là trên 95% phi công của VietJet Air, Jetstar Pacific và 40% phi công của Vietnam Airlines là người nước ngoài. Từ năm 2011, chính sách xã hội hóa đào tạo phi công cơ bản đã được triển khai và đây là một hướng đi đúng đắn nhằm thu phát triển nguồn nhân lực phi công cung cấp cho các hãng hàng không. Chính sách xã hội hóa đã mở rộng cánh cửa đến với nghề phi công cho mọi đối tượng.

Bên cạnh các hoạt động dạy và học, tư vấn nghề nghiệp và giáo dục hướng nghiệp là những công việc vô cùng quan trọng của hệ thống Giáo dục – Đào tạo, giúp các bạn học sinh phổ thông có những định hướng về nghề nghiệp tương lai của mình ngay từ đầu quá trình hình thành và phát triển nhân cách cũng như xây dựng năng lực chuyên môn. Nhằm giúp các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn đang ở bậc Phổ thông trung học, có nhiều thông tin hơn về nghề phi công, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không AESC, cùng đối tác chiến lược Eagle Flight Training phối hợp với các trường tiến hành tổ chức các buổi nói chuyện hướng nghiệp với chủ đề “Huấn luyện phi công và cơ hội nghề nghiệp”.

 

Tại Hà nội, sự kiện này đã được tổ chức ở PTTH Việt Đức, PTTH Chu Văn An và PTTH Thực nghiệm trong những ngày vừa qua. Các bạn học sinh đã vô cùng thích thú với thông tin về sự phát triển của các hãng hàng không trong nước, nhu cầu tuyển dụng phi công, quá trình huấn luyện đào tạo, một cái nhìn toàn diện hơn về nghề phi công, cơ hội nghề nghiệp và quan trọng hơn cả, các bạn đã nhìn thấy con đường để có thể theo đuổi và biến ước mơ bay của mình trở thành hiện thực. Chương trình sẽ không chỉ dừng lại trong phạm vi địa bàn thủ đô Hà nội mà sẽ tiếp tục được tổ chức thực hiện ở một số các tỉnh thành khác trong cả nước.

Eagle Flight Training luôn đồng hành cùng bạn trên con đường đến với nghề phi công, một trong những nghề nghiệp hấp dẫn và đáng được theo đuổi nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay.