Chứng chỉ EASA Part 21G được trao cho AESC

Ngày 18/06/2018 vừa qua, AESC đã vinh dự nhận được Chứng chỉ Phê chuẩn Tổ chức Chế tạo theo Quy chế EASA Part 21G. Với phê chuẩn này, AESC đã trở thành đơn vị duy nhất tại Việt Nam được phép sản xuất các thiết bị phục vụ việc thay thế, sửa chữa nội thất máy bay. Trước đó, AESC đã nhận được Chứng chỉ phê chuẩn VN-001-DMO/CAAV của Cục Hàng không Việt Nam trong lĩnh vực này từ năm 2010.

Trước sự kiện trọng đại này, chúng tôi đã thực hiện phỏng vấn anh Vũ Quang Hưng và chị Lê Hồng Mến - những cá nhân chủ chốt trong quá trình xây dựng và phát triển bộ phận sản xuất và thiết kế trang thiết bị, nội thất máy bay tại AESC.

1. Trước tiên, xin chúc mừng công ty vì thành quả này. Được biết, AESC đã được Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu trao Chứng chỉ phê chuẩn  EASA Part 21G sau thời gian nỗ lực 4 năm. Hiện tại, AESC đã trở thành đơn vị duy nhất tại Việt Nam được phép sản xuất các thiết bị phục vụ việc thay thế, sửa chữa nội thất máy bay. Là một trong những người trực tiếp tham gia vào quá trình phê chuẩn, Anh/ Chị có suy nghĩ gì?

Chị Mến (Jennifer): Là những người trực tiếp tham gia vào dự án này ngay từ những ngày đầu, chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào với kết quả đã đạt được, sau rất nhiều công sức và nỗ lực trong gần 4 năm qua. Nghĩ lại, những ngày đầu chúng tôi gặp nhiều khó khăn về rất nhiều mảng, từ nhân sự tới điều kiện khách quan và cơ sở vật chất. Khi đó chúng tôi chỉ có năm người, với rất ít máy móc và trang thiết bị; nhân lực tuy đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật và sản xuất nhưng chưa có khái niệm gì về ngành hàng không cả. Những thành tựu bước đầu ngày hôm nay, đối với tôi là thành quả của chặng đường gian nan mà đơn vị sản xuất đã trải qua.

 

2. Là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, theo Anh/Chị, trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị phục vụ việc thay thế, sửa chữa nội thất máy bay, yếu tố quan trọng hàng đầu là gì? Và để đạt được những tiêu chuẩn khắt khe trong lĩnh vực này, AESC đã có sự đầu tư như thế nào?

Anh Hưng (Ryan): Yếu tố quan trọng hàng đầu theo chúng tôi là nhân tố con người. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến những người được đào tạo để hiểu và xây dựng được một hệ thống đúng tiêu chuẩn đáp ứng được theo các yêu cầu của Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu. AESC đã đầu tư nhiều cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cốt lõi nhằm xây dựng và vận hành hệ thống để đạt được điều này. Giai đoạn đầu, chúng tôi cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn từ Châu Âu. Sau khi nắm được các vấn đề mấu chốt, chúng tôi đã tự thực hiện quá trình xin phê chuẩn.

 

Chị Mến và nhân viên phòng POA

 

3.  Được biết Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu (EASA) luôn đòi hỏi rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn an toàn, vậy AESC đã gặp những khó khăn, thách thức gì trong quá trình chuẩn hóa các hoạt động sản xuất thiết bị phục vụ, thay thế, sửa chữa nội thất máy bay để đạt được chứng chỉ EASA Part 21 G?

Chị Mến (Jennifer): Thực ra, AESC đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình ấy. Ban đầu là những khó khăn khi phải xây dựng được một hệ thống đáp ứng được tiêu chuẩn mới, trong khi nhân lực còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm; lại còn là lần đầu được làm quen với các yêu cầu của Bộ Quy chế An toàn Hàng không Châu Âu, cụ thể là Part 21.

Đó là lúc chúng tôi quyết định rằng cần thiết phải có một khóa đào tạo bài bản. Chúng tôi đã theo học với các chuyên gia đến từ Pháp, vừa học, vừa kết hợp cùng với chuyên gia phân tích, xây dựng hệ thống, xây dựng quy trình và các biểu mẫu theo yêu cầu. Sau thời gian vừa học hỏi, vừa làm việc để tích lũy được cho mình những hiểu biết nhất định, chúng tôi tự hoàn thiện hệ thống và tự thực hiện quá trình xin phê chuẩn.

Anh Hưng (Ryan): Khi đi vào quá trình triển khai thực hiện, AESC lại gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm các đối tác là nhà cung cấp vật tư, dịch vụ đáp ứng được các yêu cầu rất chặt chẽ của EASA. Việc này xuất phát từ mặt bằng chung khi các yêu cầu đối với nhà cung cấp trong nước chưa cao.

Để khắc phục được khó khăn này, đội ngũ nhân viên kỹ thuật và nhân viên cung ứng của chúng tôi cần làm việc tích cực hơn để mở rộng phạm vi tìm kiếm nhà cung cấp trong nước, cũng như nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn có chính sách hỗ trợ các nhà cung cấp của mình nâng cấp hệ thống, xây dựng các quy trình, biểu mẫu, chứng chỉ để đáp ứng các yêu cầu đề ra.

Chị Mến và Anh Hưng

4. Theo đánh giá của Anh/Chị, chứng nhận phê chuẩn EASA Part 21 có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển và cơ hội trong tương lai của AESC?

Anh Hưng (Ryan): Chứng nhận phê chuẩn EASA Part 21 là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Tổ chức Chế tạo AESC. Với việc đạt được chứng nhận phê chuẩn này, AESC có thể mở rộng đối tượng khách hàng của mình ra ngoài phạm vi quốc gia và khu vực, tham gia vào thị trường sản xuất thiết bị máy bay thế giới. AESC cũng sẽ có thêm cơ hội hợp tác, phát triển với các đối tác trên thế giới - cũng là các tổ chức thiết kế, chế tạo được EASA phê chuẩn.

 

5. Trong khu vực, hiện nay không có nhiều các Tổ chức Chế tạo được EASA phê chuẩn. Anh/Chị có thể cho biết điều này tạo nên khác biệt gì mang lại lợi thế cho AESC?

Anh Hưng (Ryan): Trong khu vực, hiện nay chưa có nhiều tổ chức đạt được chứng nhận phê chuẩn EASA Part 21G, đây là một lợi thế lớn. Đạt được phê chuẩn này, đồng nghĩa với việc AESC có được “tấm vé” để tham gia thị trường sản xuất thiết bị máy bay trên thế giới, và tạo được lòng tin với khách hàng rằng: hệ thống sản xuất mà chúng tôi đang vận hành hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu.

Văn phòng POA

6. Cá nhân Anh/Chị đã học hỏi được những gì trong quá trình chuẩn bị cho việc phê chuẩn?

Chị Mến (Jennifer): Nhiều lắm! Để xin được phê chuẩn, chúng tôi phải hiểu rõ được các yêu cầu đề ra và triển khai xây dựng được một hệ thống đáp ứng được các yêu cầu đó của Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu (EASA). Ngoài việc hiểu rõ được quá trình phê chuẩn, chúng tôi còn có thêm được kinh nghiệm làm việc và trao đổi thông tin với Nhà chức trách Hàng không Châu Âu. Cách thức họ tư duy về vấn đề quản lý hệ thống, các vấn đề an toàn, khả phi cũng như cách thức họ giám sát các tổ chức sản xuất như chúng tôi trên khắp thế giới đúng là rất chặt chẽ và chi tiết.

Mr. Ryan, Mr. Mariano, Mr. Nick, Mr. Fabrice, Ms. Jennifer (từ trái qua phải)

7. Anh/Chị có kỷ niệm đáng nhớ nào trong quá trình này không?

Anh Hưng (Ryan): Dĩ nhiên rồi! Có lẽ ấn tượng nhất là chuyến đi công tác đầu tiên của chúng tôi qua Châu Âu, lúc ấy, tôi và chị Mến đại diện cho AESC tham gia cuộc họp được Nhà chức trách Hàng không Châu Âu EASA tổ chức thường niên tại Đức cho tất cả các tổ chức Thiết kế và Sản xuất từ khắp nơi trên thế giới, chúng tôi cũng là những người trẻ nhất trong danh sách tham dự cuộc họp, Đại diện đến từ các tổ chức khác đều là những người rất giàu kinh nghiệm, trong đó có cả những “ông lớn” như BOEING, AIRBUS…

Tại đây, lần đầu tiên, AESC - một doanh nghiệp đến từ Việt Nam được nêu tên trong báo cáo của EASA về Danh sách các Tổ chức xin phê chuẩn tổ chức thiết kế, chế tạo. Cảm giác của chúng tôi lúc đó vừa thấy choáng ngợp lại vừa thấy tự hào. Sau cuộc họp, chúng tôi còn có thêm một số người bạn đồng nghiệp đến từ các tổ chức thiết kế và sản xuất tại Pháp và Đức. Đây đúng là chuyến đi đáng nhớ với cả hai chúng tôi.

Cảm ơn Anh/ Chị. Chúc Công ty sẽ đạt được những thành quả lớn hơn nữa trong tương lại.

------

Giới thiệu về Anh Vũ Quang Hưng và Chị Lê Hồng Mến:

Anh Vũ Quang Hưng:

·         Trưởng phòng Sản xuất, Tổ chức Sản xuất nội thất máy bay (POA)

·         Học vi: Kỹ sư Thiết kế cơ khí - Đại Học Giao Thông Vận Tải

·         Kinh nghiệm: 10 năm kinh nghiệm về thiết kế các chi tiết cơ khí và quản lý sản xuất

Chị Lê Hồng Mến:                                                                                             

·         Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng, Tổ chức Sản xuất nội thất máy bay (POA)

·         Học vị: Kỹ sư cơ khí hàng không - Đại Học Bách Khoa Hà Nội

·         Kinh nghiệm: 10 năm kinh nghiệm quản lý chất lượng tại AESC và Công ty Hàng không Air Mekong.